‘Luật ngầm’ chợ đầu mối Minh Khai: [Bài 1] Mớ rau cõng bao ‘mớ’ phí
08:52 - 24/04/2025
HÀ NỘI Giữa chợ đầu mối Minh Khai, từng mớ rau bé nhỏ đang phải oằn mình gánh đủ loại phí mập mờ, phản ánh một trật tự ngầm lặng lẽ bào mòn sinh kế người lao động.
Nuôi con đặc sản, thị trường ngách cho chăn nuôi nông hộ: [Bài 3] Nuôi gà Đông Tảo thuần chủng
Cần cuộc 'cách mạng xanh' chuyển nông nghiệp công nghiệp sang nông nghiệp sinh thái
Canada: Một trường cao đẳng mở chương trình đào tạo AI trong ngành thủy sản
Giá lúa gạo hôm nay 25/4/2025: Gạo xuất khẩu tăng mạnh
LTS: Chợ đầu mối Minh Khai (phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) - khu chợ đầu mối nông sản được kỳ vọng sẽ là trung tâm trung chuyển lớn, nơi giao thương, kết nối vùng sản xuất và tiêu thụ. Nhưng rồi theo thời gian, kỳ vọng ấy dần bị bóp méo bởi những điều tréo ngoe, tiền thu là một đằng, hóa đơn một kiểu, nhiều khoản phí được thu mà không hề thể hiện trên giấy tờ; phí chồng phí, lập lờ giữa hợp pháp và bất minh. Những “luật ngầm” vận hành như lẽ đương nhiên giữa đêm, và trật tự lộn xộn lại trở thành nếp quen được dung dưỡng.
Ở đó, từng mớ rau, xe hàng, từng phận người mưu sinh đang gồng mình gánh "luật lệ" được áp đặt và điều hành bởi những kẻ mạnh.
Rừng phí bủa vây, tiểu thương nặng gánh
Đêm ở chợ đầu mối Minh Khai không tối. Những ánh đèn xe máy, ô tô nối nhau ken đặc, tràn ra cả lòng đường, vỉa hè. Từ 1-2 giờ sáng, từng dòng người, từng chuyến hàng đổ về, biến đoạn quốc lộ 32 và đường CN5 (Cụm Công nghiệp Từ Liêm) thành một dòng chảy không ngừng.
Chợ bắt đầu vào giờ mà phố xá lắng dịu nhất, từ nửa đêm cho đến lúc trời hửng sáng. Ở đó, những thân phận nhỏ bé - những người nông dân, tiểu thương lam lũ, cặm cụi gồng gánh từng bó rau, từng rổ củ,... tìm kiếm chút kế sinh nhai mong manh giữa những bề bộn, hỗn tạp.

Toàn cảnh chợ đầu mối Minh Khai, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: H.K.
Giữa đám đông chen chúc, chị H., một tiểu thương lâu năm của chợ, đứng nép bên gian hàng rau nhỏ của mình. Những túi bắp cả, những bao tải rau, củ đủ loại…, gia tài gói ghém cả đêm của chị, hy vọng đổi lấy được vài trăm ngàn đồng sau một ngày dài. Nhưng những đồng tiền đó không dễ kiếm. Chúng chảy ra nhanh như dòng nước, trước khi kịp làm đầy đôi bàn tay chai sạn của những người phụ nữ lam lũ.
Từ ngày dọn về đây, chị H. đã quen dần với một thứ trật tự "vừa đủ để tồn tại", nơi mà mỗi mét vuông trong chợ là một cuộc mặc cả, và mỗi khoản thu đều mang dáng dấp của sự bất minh. Giá thuê ki-ốt thì liên tục tăng, từ 600 nghìn đồng một ô, giờ đã là 8-900 nghìn đồng cho diện tích chưa đầy 5 mét vuông.
"Mà em biết đấy, 5 mét vuông ấy chẳng khác nào thuê đất thổ cư giữa phố. Người ta chen chúc nhau, bán được cái gì đâu, lỗ nhiều hơn lãi", chị H. chua chát ví von.

Bên trong chợ đầu mối Minh Khai (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) sau một đêm hoạt động náo nhiệt, rác thải và rau củ vứt la liệt. Ảnh: H.K.
Giá thuê chỉ là một phần. Ngoài ra, tiểu thương còn oằn mình gánh thêm cả một "rừng phí", từ tiền điện, tiền nước, tiền vệ sinh, tiền bến bãi, tiền ra vào cổng... Tất cả đều được tính riêng, thu riêng, nhưng hiếm khi được thể hiện minh bạch. Một bóng điện cũng bị tính 100 nghìn đồng, thêm một chiếc quạt là 200 nghìn.
"Một chợ rộng như thế, mỗi ngày nó thu được bao nhiêu tiền chứ. Vậy mà lúc nào họ cũng bảo lỗ, không đủ lương trả cho nhân viên. Nhưng lương nhân viên đâu ra mà lắm thế?", chị H. thở dài.
Ngay cả chiếc xe máy cọc cạch chở hàng của chị, mỗi lần ra vào chợ cũng phải đóng 5.000 đồng. Mỗi cổng, mỗi cửa đều có người đứng thu tiền. Vé thì lúc thấy xé, lúc thì không, mà cũng không hề biết cái vé ấy như thế nào, chỉ thấy có những tờ giấy lẻ xé vội, thậm chí đôi khi chỉ là cái gật đầu thuần túy. "Một ngày không biết bao nhiêu xe máy, ô tô ra vào. Tiền thu như nước, vậy mà chợ vẫn kêu khó, lạ thật!", chị H. cười buồn.

2 người đàn ông thu tiền phí chợ của tiểu thương lúc rạng sáng 18/4 sau đó trở về Ban Quản lý chợ Minh Khai. Ảnh: T.T.
Nhưng có lẽ, cái nghịch lý đau lòng nhất không nằm ở những khoản phí bất hợp lý. Nó nằm ở chính sự bất công, vô tổ chức len lỏi trong từng góc chợ. Xe tải, xe ba gác, xe máy... chen lấn bừa bãi, lấn chiếm hết lòng đường. Người bán kẻ mua mệt mỏi luồn lách giữa tiếng quát tháo, tiếng còi xe inh ỏi.
Lô số nhập nhèm, gian hàng bị chiếm
Không chỉ là chuyện tiền. Nỗi bất công còn nằm trong cách vận hành chợ. Trong nhiều đêm tìm hiểu tại đây, chúng tôi ghi nhận nhiều phản ánh về tình trạng chiếm dụng các ô, gian hàng tại chợ, hợp đồng mua bán không rõ ràng, xuất hiện "ô giả - ô thật", thậm chí bị chiếm đoạt bằng quyền lực ngầm.
Chị D., một tiểu thương đã kinh doanh tại chợ được khoảng 12 năm cho biết trước chị mua ô chỗ chỉ nhận được một phiếu thu tiền mập mờ, không có giấy tờ, số ô chính thức hay con dấu đỏ. Những người bán cho chị đều là dân "xã hội", mua bán ô giả, xong lại chìa giấy tờ ô thật ra để lấy lại quyền sử dụng. Rất nhiều người gặp phải tình trạng này.

Nhiều tiểu thương phản ánh về tình trạng chiếm dụng các ô, gian hàng tại chợ, hợp đồng mua bán không rõ ràng, xuất hiện "ô giả - ô thật", thậm chí bị chiếm đoạt bằng quyền lực ngầm. Ảnh: H.K.
Một tiểu thương khác bổ sung: “Ô số thì chỉ treo lên chứ không hề có tên người thuê. Tôi mỗi tháng phải đóng 900 nghìn đồng gồm tiền chỗ ngồi và bóng đèn. Thêm một bóng điện, một quạt là 200 nghìn nữa”.
Chị nói thêm: “Ai thuê qua nhà T.H. thì phải trả cả tiền thuê riêng, 900 nghìn tiền phí chợ, thêm khoản tiền điện, rồi cả vé chợ hằng ngày. Ô nào đẹp thì giá cao hơn, thường là 2 triệu đồng một ô”.
Khi những dòng tiền vẫn “chảy ngoài sổ sách”, được lấy đi từ mồ hôi của biết bao phận người yếu thế, thì câu hỏi về hiệu lực, kỷ cương, và quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại đây vẫn chưa thể có lời giải đáp.
Thực tế khảo sát tại chợ đầu mối Minh Khai cho thấy, công tác quản lý ô số gian hàng đang tồn tại nhiều bất cập. Không ít khu vực vốn được quy hoạch làm lối đi chung, bãi để xe hoặc chưa từng được công nhận là ô chợ, nay lại bị chiếm dụng và cho thuê để tiểu thương bày bán hàng hóa.
Tại dãy nhà có mái che, nhiều gian hàng không có thông tin số ô, không ghi tên người sử dụng, cũng không có bất kỳ thông tin công khai nào về quyền sử dụng mặt bằng. Một số tiểu thương cho biết dù ngồi tạm bợ nhưng vẫn phải đóng phí định kỳ hằng tháng. Phiếu thu chỉ ghi vỏn vẹn một dòng “phiếu thu tiền”, trong khi thực tế còn rất nhiều khoản phí “trên trời” khác nữa, theo kiểu “bán bia kèm lạc”, khó minh bạch, khó kiểm soát.

Một góc khu B, chợ đầu mối Minh Khai, nhiều ki-ốt không được đánh số ô, và thông tin hộ kinh doanh. Ảnh: T.T.
Một loạt câu hỏi cũng được đặt ra về việc sử dụng các không gian chức năng trong chợ. Nơi lẽ ra dành để xe máy cho tiểu thương thì nay trở thành điểm buôn bán. Khu vực bể chứa nước phục vụ phòng cháy chữa cháy, vốn là hạng mục bắt buộc trong thiết kế chợ cũng bị lấn chiếm để kinh doanh. Trong khi đó, khu vực ban quản lý chợ lại ken đặc xe máy của tiểu thương gửi nhờ.
Những gì đang diễn ra khiến người ta phải đặt câu hỏi: Ban quản lý chợ đang thu tiền theo cơ chế nào? Việc sử dụng và khai thác không gian chợ có đang vượt ngoài giới hạn được cấp phép? Và ai sẽ chịu trách nhiệm khi một ngày nào đó rủi ro xảy ra từ những lỗ hổng này?