Chăn nuôi Thái Nguyên nổi bật nhờ công nghệ: [Bài 2] Xây dựng chuỗi liên kết sâu
11:23 - 15/05/2025
THÁI NGUYÊN Chăn nuôi theo chuỗi liên kết sâu không chỉ quản lý chặt chẽ con giống, dịch bệnh đến khi xuất chuồng mà còn giúp người dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật hiện đại.
Thách thức xuất khẩu thủy sản: [Bài 3] Hội nhập
Thủ tướng có chỉ đạo mới nhất về ứng phó với thay đổi thuế quan của một số quốc gia, xử lý nghiêm gian lận xuất xứ, lợi dụng ép giá
Ứng dụng công nghệ cao, chị nông dân Hà Nội bắt loài hoa quý tộc "nhả vàng" trên vùng đất úng ngập
Bảo tồn và giữ gìn màu xanh cánh rừng Mường Nhé

Ông Nguyễn Văn Đường kiểm tra gà giống. Ảnh: Quang Linh.
Từ người lính đến ông chủ lò ấp trứng tự động tiền tỷ
Rời quân ngũ trở về quê hương năm 1991 với đôi bàn tay trắng, ông Nguyễn Văn Đường (thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình, Thái Nguyên) bắt đầu hành trình tìm kiếm hướng đi để phát triển kinh tế cho gia đình.
Từ buôn trứng đến học nghề ấp nở gia cầm, rồi đầu tư lò ấp trứng tự động hóa hiện đại, hành trình gần ba thập kỷ ấy là minh chứng rõ nét cho tinh thần vượt khó của người nông dân dám nghĩ, dám làm và không ngừng đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp.
Sau thời gian dài tìm hiểu, đến năm 2002, ông Đường đầu tư xây dựng lò ấp trứng đầu tiên. Do chưa có nhiều vốn, ông Đường phải mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người thân để thế chấp vay ngân hàng 50 triệu đồng. Số tiền này được dồn toàn bộ vào mua một lò ấp trứng có công suất 5.000 quả.

Hệ thống lò ấp hiện đại của ông Nguyễn Văn Đường. Ảnh: Quang Linh.
Từ lò ấp đầu tiên, ông Đường không ngừng học hỏi, cải tiến để hoàn thiện dần quy trình sản xuất. Lò ấp trứng của ông đã trải qua tới 4 lần thay đổi lớn, từ kiểu “giàn khoai tây” thủ công đến lò “bập bênh” rồi lò ấp giàn đảo bán tự động và hiện tại là hệ thống lò ấp giàn đảo hoàn toàn tự động.
Cụ thể, ông Đường mạnh dạn đầu tư hệ thống lò ấp hiện đại, tự động hóa vào năm 2017 với tổng giá trị hơn 3 tỷ đồng. Đây là bước ngoặt lớn giúp nâng tầm quy mô sản xuất, tiến tới xây dựng mô hình chăn nuôi khép kín theo hướng công nghệ cao.
Quá trình tự động hóa không chỉ giúp tiết kiệm nhân công, mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất một cách rõ rệt. Trứng không còn phải đảo bằng tay mà được lật đều bằng hệ thống máy móc. Nhiệt độ và độ ẩm cũng được điều chỉnh chính xác theo từng giai đoạn phát triển của phôi trứng. Nhờ đó, tỷ lệ trứng nở đạt chuẩn lên tới 99%, hạn chế tối đa hao hụt trong sản xuất.
Hiện nay, cơ sở của ông Đường có tổng cộng 13 lò ấp trứng hiện đại. Trung bình mỗi tháng, ông cung cấp ra thị trường khoảng 20 vạn gà con, với giá bán trung bình 10.000 đồng/con. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về mỗi năm lên tới hàng tỷ đồng.
Xây dựng chuỗi liên kết để chia sẻ thành công
Để có đủ nguồn trứng chất lượng phục vụ lò ấp, ông Đường triển khai mô hình liên kết với hàng chục hộ chăn nuôi gia cầm trong vùng, đầu tư con giống, thuốc thú y, chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ trứng của các hộ liên kết. Sau một năm, ông thay lứa gà bố mẹ và nhận lại tiền vốn ban đầu.
Nhờ liên kết với ông Đường, nhiều hộ dân trong vùng đã có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu ngay tại quê nhà. Mô hình liên kết không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình ông Đường mà còn góp phần tạo dựng cộng đồng sản xuất chăn nuôi bền vững, gắn kết và cùng phát triển.
“Lúc đó chỉ nghĩ đơn giản, nếu không thử chẳng bao giờ biết mình có thể làm được gì. Đã từng là người lính, tôi không sợ thất bại, chỉ sợ không dám bắt đầu. Khi có sự chung tay của bà con, mô hình mới bền vững được. Mình giúp người ta phát triển, thì người ta cũng gắn bó lâu dài với mình”, ông Đường tâm sự.

Trang trại gà đẻ trứng quy mô gần 30.000 con. Ảnh: Quang Linh.
Không dừng lại ở lò ấp trứng, ông Đường tiếp tục đầu tư hai trang trại gà đẻ với tổng vốn lên tới 30 tỷ đồng. Trang trại được thiết kế theo mô hình chuồng kín hiện đại với hệ thống làm mát, kiểm soát nhiệt độ, máng ăn và nước uống tự động. Mọi khâu trong quy trình chăn nuôi đều được theo dõi, điều chỉnh bằng thiết bị điện tử, đảm bảo môi trường sống lý tưởng cho đàn gà.
Việc chủ động nguồn trứng chất lượng cao từ trang trại giúp cơ sở ấp trứng của ông luôn ổn định sản xuất, không bị phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Đường còn tạo việc làm ổn định cho 13 lao động tại địa phương, với thu nhập bình quân từ 7-8 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, tích cực hỗ trợ các mô hình sản xuất khác trong vùng, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ bà con tiếp cận với công nghệ mới trong chăn nuôi.
Nhờ những đóng góp to lớn trong phát triển sản xuất, ông Đường đã vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng.

Ngành chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Thái Nguyên đang tích cực hỗ trợ người dân chuyển đổi số. Ảnh: Quang Linh.
Lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh Thái Nguyên đang phát triển theo hướng tăng quy mô trang trại, thay thế dần chăn nuôi nhỏ lẻ ở các hộ gia đình. Với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, xây dựng chuỗi liên kết giá trị trong chăn nuôi đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế ổn định.
Đánh giá về mô hình lò ấp trứng tự động của ông Đường cũng như các cơ sở chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn, ông Đỗ Đình Trung - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thái Nguyên) cho biết: “Đây là mô hình điển hình cho sự thành công của việc ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong chăn nuôi”.
Mô hình chăn nuôi theo chuỗi liên kết mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với chăn nuôi truyền thống. Không chỉ quản lý chặt chẽ từ con giống, dịch bệnh đến khi xuất chuồng, chăn nuôi theo chuỗi liên kết còn giúp người dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật hiện đại, tăng tính cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Theo ông Trung, thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030, ngành chăn nuôi, thú y, thủy sản của tỉnh đang tập trung đẩy mạnh số hóa, tự động hóa trong sản xuất. Mục tiêu là tăng năng suất, giảm chi phí nhân công, nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn dịch bệnh.
“Chúng tôi hướng tới xây dựng và nhân rộng các mô hình khép kín, ứng dụng công nghệ từ con giống đến tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó là phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai phần mềm quản lý chăn nuôi, hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho người dân và doanh nghiệp”, ông Trung nhấn mạnh.
Ngoài ra, ngành cũng đang nghiên cứu để đề xuất các chính sách hỗ trợ cụ thể, tạo điều kiện cho nông dân như ông Đường được tiếp cận vốn vay, chuyển giao công nghệ, góp phần đưa chăn nuôi tỉnh Thái Nguyên phát triển bền vững, hiện đại, bám sát thị trường.
Giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2024 của tỉnh Thái Nguyên trên 7.710 tỷ đồng, đạt 107,7% kế hoạch, chiếm 47% giá trị sản xuất nội ngành nông nghiệp của tỉnh. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2024 đạt 236,404 nghìn tấn (trong đó thịt lợn 107.130 tấn; thịt gia cầm 116.474 tấn; thịt trâu 5.800 tấn; thịt bò 7.000 tấn).